Monday, July 12, 2010

NGƯỜI TÙ TRẠI PHONG QUANG


(Tưởng niệm Anh Hùng Biệt Kích Mai Văn Tuấn)


Ngày 14 tháng 10, năm 1970, Lê Văn Ngưng, toán trưởng toán Biệt Kích Hadley, bị hình phạt nặng nhất theo quy luật của trại tù Phong Quang. Anh bị cùm cả tay chân rồi bị tống vào phòng giam kỹ luật (xà lim). Anh Ngưng đã chờ dịp này từ bao lâu nay. Bây giờ, có thể anh sẽ tìm hiểu được chuyện gì đã xảy ra cho anh Biệt Kích Mai Văn Tuấn.
Trong căn phòng giam nhỏ và dơ bẩn này, Ngưng đọc thấy danh sách của những người đã từng bị giam giữ ở đây. Hàng chử viết bằng máu trên tường đập vào mắt anh: "Mai Văn Tuấn - ngày 2 tháng Tám 1970". Đây là di bút cuối cùng của anh Tuấn, người tù Biệt Kích khổ hình đã chết trong phòng giam kinh khiếp này.
Anh Ngưng bị nhốt ba mươi ngày với cả hai tay bị còng, hai chân cùm bắt tréo lại, xiết chặc không cựa quậy được. Đây là hình phạt thông thường giành cho tất cả mọi tù nhân vi phạm kỹ luật của trại tù Phong Quang.
Sau ba mươi ngày, Thượng Sĩ Thông mở cửa phòng giam, tháo còng và cùm chân, rồi ra lệnh cho Ngưng đi ra khỏi phòng. Sau đó Thông bắt anh Ngưng phải nhận tội anh đã vi phạm để đến nỗi phải bị giam cực hình này. Ngưng không chịu nhận tội và nói anh đã không làm gì sai quấy. Thượng Sĩ Thông nỗi cáu lên, la hét lớn tiếng và ra lệnh cai tù giam anh Ngưng trở lại vào phòng giam địa ngục trần gian đó thêm mười lăm ngày nữa.
Lê Văn Ngưng đã không bị chết trong xà lim này, nhưng anh Mai Văn Tuấn đã kém phần may mắn.
Ở trong Nam, Tuấn là một thanh niên trẻ, đã tình nguyện vào làm Dân Sự Chiến Đấu cho trại Huấn Luyện Biệt Kích ở Long Thành. Sau một thời gian ngắn, năm 1967, anh tình nguyện xung vào lực lượng Biệt Kích nhảy toán ra Bắc. Anh được gia nhập vào các toán nhảy ngắn hạn ở miền bắc vĩ tuyến 17, vùng Mụ Gia và Đồng Hới, với nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo chiến lược liên qua đến việc cộng sãn bắc Việt chuyển quân vào Nam dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh qua biên giới Lào. Sau rất nhiều chuyến công tác nhảy Bắc, anh đã được đề bạt lên làm trưởng toán Biệt Kích STRATA. Năm 1968, Mai Văn Tuấn sa cơ vào tay giặc.
Thoạt đầu, Tuấn và toán của anh bị giam ở trại tù Thanh Trì vùng ngoại ô Hà Nội. Ở đó, các người cai tù thường nói với nhau là Tuấn không được bình thường, có vẻ mát dây nặng. Chúng không bao giờ biết chắc được là Tuấn điên thật hay giả. Dù sao đi nữa, với tài diễn xuất giả khùng giả điên, Tuấn đã tha hồ chửi bới cộng sản và chọc cho các cai tù ở Thanh Trì tức giận lộn ruột, nhưng chúng không đánh đập gì anh nhiều vì trong thâm tâm, chúng tin là Tuấn điên khùng thật.
Vào năm 1970, cả toán của Tuấn bị đưa qua nhà tù Phong Quang. Có thể vì chức vụ "toán trưởng" hoặc vì những trận "quậy" tưng bừng ở trại tù Thanh Trì, Tuấn bị tách ra và giam riêng ngay khi mới đến, hoàn toàn cô lập và bị cấm liên lạc với các tù nhân khác. Anh bị bỏ vào xà lim biệt giam. Không như những tù nhân biệt giam khác, Tuấn bị cùm cả hai chân, chân này cùm xích lên chân kia thật chặc, đây là cách cùm ác nghiệt nhất vì máu không thể lưu thông xuống cả hai chân đồng đều, đồng thời, vì các bắp thịt không được co giãn nên sẽ dễ đưa đến tình trạng tê liệt nếu bị cùm quá lâu.
Tù nhân tử hình chỉ có một việc làm duy nhất là đếm từng ngày một còn lại trên cõi đời của họ.
Sau hai tháng bị giam trong xà lim, Tuấn bắt đầu tuyệt thực để phản đối sự cư xử khắc nghiệt vô cớ của trại tù Phong Quang. Sau vài hôm, cai tù bắt đầu theo dõi và vào xà lim kiểm soát Tuấn mỗi ngày. Họ khuyên bảo Tuấn nên ăn để sống nhưng anh nhất quyết tuyệt thực cho đến khi nào được thả ra khỏi xà lim và được giam chung với các anh em Biệt Kích. Sau một tuần lể, Đại Úy Thích trưởng trại và cán bộ chính trị trại tù Phong Quang đến xà lim đích thân khuyên bảo Tuấn nên ngưng tuyệt thực. Một lần nữa, Tuấn từ chối. Đại Úy Thích ra lệnh cho nhà bếp nấu cháo gà đem đến cho Tuấn. Ông tự tay đưa bát cháo cho anh ăn. Tuấn nhận lấy bát cháo gà, chần chừ một tí rồi bất ngờ anh vung bát cháo gà nóng hổi vào mặt tên trưởng trại. Tức ứa gan, Thích đánh đập Tuấn túi bụi và sai cai tù "tẩm quất" thêm cho Tuấn một trận nhừ tử.
Hai ngày sau, tên cai tù vào xà lim coi Tuấn còn sống hay không. Hắn thấy Tuấn trần truồng nằm trên sàn đất trong những bải xú uế của chính mình. Hắn hỏi tại sao Tuấn làm như vậy. Tuấn trả lời:
"Manh áo này không phải của chúng tôi, áo này là sản phẩm của xã hội chủ nghĩa, không phải của tôi, tôi không mặc".
Đêm đó, Tuấn lặng lẽ lìa đời một mình trong xà lim lạnh lẽo. Ngày anh chết, mồng Hai tháng Tám năm 1970 anh đã viết lại bằng chính máu của anh.
Qua ngày sau, người cai tù thường trực tên Đại đi vào xà lim xem tình trạng của Tuấn. Hắn thấy Tuấn đã chết từ lâu, cơ thể cứng ngắt và lạnh giá, hai đầu gối tréo nhau chĩa lên trời. Đại phải đi lấy rượu xoa vào hai đầu gối của Tuấn để rồi dần dần mới kéo thẳng hai chân anh xuôi ra được để tháo cùm chân ra rồi đem xác Tuấn đi chôn.
Những bạn tù của Tuấn kể lại, oan hồn của Tuấn thường hiện về, vất vưỡng gần cái xà lim ác nghiệt này. Chỉ ba ngày sau khi Tuấn chết, nhiều người thấy một bóng đen thấp thoáng bên ngoài khung cửa sắt phòng giam của họ. Khi các bạn tù dùng đèn dầu chiếu ra khung cửa, họ thấy một bóng đen đứng yên lặng trông rất buồn thảm, dáng dấp trông như anh Tuấn.
Cứ khoảng mười một giờ đêm, mọi người bạn tù ai cũng thấy oan hồn của Tuấn. Lần nào Tuấn cũng chỉ đứng yên lặng nhìn vào phòng giam chung. Sau một tuần lễ, một người bạn gọi tên của Tuấn, xin Tuấn đừng về đứng ngoài sân nữa và nói với Tuấn là họ không có liên can gì đến chuyện Tuấn chết, chỉ xin Tuấn hiểu cho và việc Tuấn về chỉ làm cho các bạn tù thêm buồn. Sau đêm đó, bóng đen trong đêm tối không bao giờ trở về đứng ngoài phòng giam chung nữa.
Nguyện cầu hương hồn của người trưởng toán Biệt Kích Mai Văn Tuấn siêu thoát và xin anh linh anh hãy trở về phù hộ cho đồng bào và quê hương sớm thoát khỏi ác nghiệt gông cùm của bạo quyền cộng sản việt nam.


Ngô Xuân Hùng
(trích dịch lại từ sách "Secret Army, Secret War" của ông Sedgwick Tourison) phỏng vấn các cựu Biệt Kích bị giam ở trại tù Thanh Phong, trang 260-261)

Thursday, July 8, 2010

***Chuyện Tình Khoai Lang***




Chuyện tình này có thật, rất là cảm động, đã được nhiều anh em biết tới. Theo đúng như những kết luận về chuyện tình thời cổ tích, hai vai chính tới nay vẫn còn sống, vẫn thương yêu nhau, gia đình thật là đầm ấm.
Chuyện tình yêu này thật là đẹp, thật là đáng ghi nhớ, hay hơn tất cả những chuyện tình yêu trên thế giới. Love Story của Mỹ cũng thua xa! Một câu chuyện tình yêu kéo dài cả ba năm trời, trong đó hai vai chính, một nam một nữ không hề quen biết nhau, không hề tiếp xúc với nhau, nhưng kết cục lại lấy được nhau thật là ngọt ngào. Câu chuyện tình yêu này đã được đặt tên là... Chuyện Tình Khoai Lang, theo lời kể của một chịến hữu Nhẩy Dù của tôi, như sau:
***
Ngày đó, vào khoảng năm 1977, tôi đang bị bọn VC bắt đi tù vì tội có ông Tổng Thống đầu hàng. Cả bọn tôi, đa số là các Sĩ Quan trẻ (cấp bậc từ Thiếu Úy tới Đại Úy) được tập trung ở trại Suối Máu, sau đổi qua Trảng Bom (Biên Hòa). Bọn VC độc ác bắt chúng tôi làm việc cật lực nhưng không cho ăn uống tử tế, thuốc men hoàn toàn không có . Ai sống được thì sống, ai về chầu ông bà ông vải thì cứ việc đi. Phương cách giết người này thật là độc ác, giết nguời mà không cần gươm súng. Mỗi ngày đi lao động bên ngoài, anh em cố gắng kiếm được thêm cái gì thì ráng mà kiếm để sống cho qua ngày. Có người lượm được cái trứng chim, bắt được con thằn lằn, rắn mối...cũng đã cho rằng mình có số sung sướng lắm rồi. Dân làng thì ở ngoài xa, thỉnh thoảng mới gặp một vài người. Bọn VC quái ác không cho dân tiếp xúc với anh em chúng tôi và cũng cấm tuyệt anh em chúng tôi không được lân la tới khu dân chúng. Đói, đói lắm, đói thê thảm, đói lả người ra! Nhưng anh em còn trẻ, sức chịu đựng cao, tinh thần càng cao hơn, nên ráng sống đợi một ngày mai tươi sáng.
Bọn VC khoe với chúng tôi: " Đảng ta đã . . . Đại Thắng Lợi"
Thì chúng tôi lại vui mừng nhìn nhau, nói trong ý nghĩ: "Anh em ta . . . Đợi Thắng Lại!"
Ruộng mía, khoai lang, khoai mì của đồng bào ở chung quanh rất nhiều, nhưng chúng tôi không đụng tới, vì đó là của dân, mồ hôi nước mắt của họ. Họ cũng đói như chúng tôi vậy, đâu thể nào lấy của dân được. Ngày xưa, chúng tôi bảo vệ họ, ngày nay không làm gì được nữa nhưng không vì đói mà mất tư cách. Đồng bào biết chúng tôi đang bị đầy đọa, họ cũng thương cảm lắm, họ cũng đã tìm đủ mọi cách mà giúp đỡ chúng tôi. Bọn VC cũng biết như vậy, cho nên mỗi lần phải đưa chúng tôi di chuyển ngang khu dân cư, bọn chúng đi kè kè sát bên, không cho ai tiếp xúc với ai. Muốn mua thêm ít đường, ít muối cũng khó lòng mà làm được!

Thế nhưng trời cao còn có mắt mà, không sao! Miễn được thấy dân là lòng người lính thấy ấm lại rồi! Buổi sáng hôm đó, chúng tôi đang trên đường đi lao động. Từ xa, chúng tôi đã thấy khu dân cư ở đằng trước, và thấy bóng dáng những trẻ em, những cô gái đang tung lúa, thẩy khoai lang ra trước nhà để phơi. Khi tới gần khoảng chừng chục thước, chúng tôi thấy một bóng dáng phụ nữ cầm thúng thẩy khoai lang ra ngoài đường đi, chỗ chúng tôi đang bước thấp bước cao. Chúng tôi tuyệt đối không đụng tới tài sản của dân, dù là mấy củ khoai lang nhỏ bé, nên vẫn cứ thế mà bước đều. Mấy hôm sau, khi đi ngang qua xóm nhà này, chúng tôi lại thấy bóng dáng người phụ nữ này. Cô cũng dáng điệu như cũ, cầm thúng khoai lang thẩy ra đường đi. Lần này cô nói bâng quơ:
- Má à, mấy đám khoai lang hư này, mình đâu có bán cho ai được! Thôi, dục bỏ, nha Má!
Cô vừa nói vừa thẩy khoai lang ra chỗ chúng tôi.
Cô đứng ở xa nói tới, chúng tôi cũng không đi gần nên chỉ nghe cô nói như vậy thôi. Nói là cô gái thì cũng là nói vậy thôi, chứ không thấy rõ hình dáng, nói chi tới mặt mày.
Mấy hôm sau nữa, chúng tôi lại có dịp đi lao động ngang qua khu dân cư này. Chúng tôi lại thấy cô gái hôm trước. Cô vẫn đứng xa xa, nhưng lần này cô cố tình cầm khoai lang thẩy vào chúng tôi rồi bỏ đi, dáng vẻ rất là bình thường.

Tối về khu trại, chúng tôi bàn tán về cô gái, về những củ khoai lang mà cô thẩy ra ngoài. Chúng tôi cùng đồng ý là thái độ của cô rất lạ: Không có ai phơi khoai lang ở chỗ đường đi đó, mà cũng không có ai dục khoai lang trên đường đi như vậy cả.
Một người bạn - tên Phúc - đã nói với tôi:
- Tao nghĩ rằng cô gái này muốn cho mình những củ khoai lang đó. Chứ nếu cô muốn dục đi, thì thiếu gì chỗ dục. Hơn nữa, khoai lang dù là hư, không cho người ăn được thì để cho heo ăn, dễ gì mà dục bỏ!

Lần sau nữa, khi đi ngang khu nhà dân đó, chúng tôi lại thấy cô. Lần này chúng tôi không thấy cô thẩy khoai lang ra nữa, mà đứng yên ở phía xa xa chỉ trỏ chỗ này, chỗ kia, ý như muốn chỉ cho chúng tôi những củ khoai lang mà cô đã thẩy ra trước đó.
Tối về, chúng tôi lại có dịp bàn tán. Phúc nói với tôi:
- Tao có nhìn thấy mấy củ khoai lang ngay trên đường mình đi. Tao thấy khoai lang kỳ này cũ rồi, không tươi như bữa trước nữa. Tao nghĩ rằng, cô thẩy ra cho tụi mình lượm, nhưng không ai lấy, nên cô lại thâu lại để dành, bữa nay thẩy ra nữa. Chắc chắn là cô cho tụi mình đó, tụi mày đồng ý không?
Tất cả cùng có ý nghĩ đó! Chắc là cô còn có lòng thương những người lính sa cơ đói khổ, mà tặng những củ khoai lang ăn lót lòng. Củ khoai lang nhỏ nhoi không đáng là bao, nhưng tấm lòng của cô thật đáng quý! Chẳng có ai ở không mà chờ anh em chúng tôi đi gần tới mới thẩy khoai lang ra. Cũng chẳng có ai có nhiều khoai lang để mà thẩy chơi như vậy. Chắc chắn là khi chúng tôi đi khỏi, cô lại thâu lại những củ khoai đó mà để dành thẩy lại cho chúng tôi vào ngày hôm sau. Anh em chúng tôi cùng đồng ý là kỳ tới, nếu có đi ngang khu nhà dân, nếu cô còn có lòng hảo tâm mà thẩy khoai lang ra, chúng tôi sẽ chia nhau lượm.
Dịp may đã tới, chúng tôi lại có dịp đi ngang khu nhà dân cũ, và lại thấy bóng dáng cô từ xa. Cô lại thẩy khoai lang ra rồi bỏ đi. Chúng tôi đã bàn với nhau trước rồi, nên chia ra làm nhiều toán nhỏ: Toán đi trước bao chung quanh đám quản giáo để chúng khỏi nhìn thấy phía sau, toán thì đi chậm chậm lượm thật lẹ những củ khoai lang bỏ vào giỏ xách thật nhanh. Lính mà! Chúng tôi thanh toán chiến trường khoai lang lẹ lắm, không thua gì những lúc thanh toán bọn quỷ đỏ trên chiến trường trước đây.
Buổi trưa hôm đó, chúng tôi lại chia ra nhiều toán để dắt bọn quản giáo đi ra xa, trên đầu gió, để đám còn lại lo nướng khoai . Đói lòng ăn được củ khoai lang. Ôi, sung sướng nào hơn!
Đám này ăn xong thì lại ra canh bọn VC để đám kia trở lại ăn những củ khoai lang tình nghĩa đó. Lần sau đi ngang khu nhà dân, đến phiên Phúc lo lượm những củ khoai lang của cô gái hảo tâm. Buổi trưa, Phúc nói nhỏ với tôi:

- Đúng như tao dự đoán, mày ạ! Kỳ này cô ta cho mình toàn là khoai mới, bự và ngon hơn khoai bữa trước nhiều lắm! Chắc cô đã núp đâu đó, thấy mình đã lượm hết khoai kỳ trước nên mới đưa khoai lang mới ra đó!
Nhờ những củ khoai lang đó mà anh em chúng tôi có thêm sức khỏe. Nhờ ở cảm tình mà người dân đã dành cho chúng tôi qua củ khoai lang mà chúng tôi thêm được sức mạnh để chịu đựng cực khổ, chờ đợi ngày mai trời lại sáng. Chúng tôi ăn những củ khoai lang đó của cô gái tốt bụng, nhưng chỉ nhìn thấy dáng của cô từ phía xa xa mà thôi, chứ chưa bao giờ được nhìn thấy mặt cô cả. Cũng chỉ duy nhất có một lần được nghe giọng nói của cô mà thôi.
Thời gian cứ thế trôi qua, chúng tôi vẫn sống, vẫn hiên ngang với đời.
Rồi ngày mai đã tới, ngày tôi và Phúc được bọn VC trả về nguyên quán. Chúng nói là chúng tôi đã... học tập tốt. Nhưng đối với chúng tôi, với riêng tôi và Phúc, chúng tôi vẫn vậy. Muôn đời chúng tôi vẫn là người lính VNCH và càng căm thù bọn Việt Cộng hơn bao giờ hết. Tôi được gia đình lo liệu sẵn, một thời gian ngắn sau khi về lại nhà, tôi đã may mắn vượt biên trót lọt và qua định cư ở Melbourne xứ Úc Đại Lợi.
Tôi cũng có nghe bạn bè nói, Phúc cũng đã vượt biên và hiện ở Sydney, cùng xứ Úc với tôi.
Một ngày đẹp trời vào năm 1990, vợ chồng tôi có dịp đi Sydney và đã ghé thăm Phúc.
Bạn bè ngày xưa gập nhau mừng mừng tủi tủi, nói chuyện huyên thuyên - Chuyện xưa còn đó, nhưng bạn bè nay đâu? Thằng nào còn sống? Thằng nào chết trong trại tù? Thằng nào vượt trại? Thằng nào vượt biên? Đi đâu?
Cuối cùng mới tới chuyện đời sống hiện tại.
- Mày lấy vợ hồi nào? Lấy từ hồi ở VN hay qua đây mới lấy? Bao nhiêu đứa con rồi? Đứa lớn bao nhiêu? Đứa nhỏ mấy tuổi. Chúng tôi nói như chưa bao giờ được nói.
Phúc kể, đã lấy vợ từ hồi ở VN, hai vợ chồng cùng vượt biên qua đây. Vợ của Phúc chỉ cười cười khi nghe chồng giới thiệu là tôi ở cùng trại tù với anh từ năm 1977.
Một lúc sau, vợ Phúc bưng ra một đĩa mà Phúc nói rằng rất đặc biệt: Khoai lang Dương Ngọc!
- Ăn đi mày, ăn để nhớ lại cái thời bị tù đầy, bị bọn VC vo tròn bóp méo!

Tôi sáng mắt lên, vồ lấy củ khoai lang, ăn không kịp bóc. Tại sao lại phải bóc vỏ? Vỏ khoai cũng là khoai vậy! Tại sao lại vứt bỏ đi?
Bao nhiêu kỷ niệm xưa quay trở lại. Tôi cũng đã kể chuyện khoai lang cho vợ tôi nghe nên tất cả đều cùng nhau góp lại chuyện xưa. Tôi vừa ăn vừa ngậm ngùi:
- Không biết cô gái đã cho mình những củ khoai lang đó, bây giờ ra sao? Có ai biết cô đó là ai không? Cô ta còn ở đó hay đã trôi nổi đi phương trời biền biệt nào rồi?
Phúc trầm ngâm một lúc rồi trả lời tôi:
- Cô gái cứu sống mình bằng những củ khoai lang... đang ở trước mặt mày đó! Tao cưới cổ rồi!
Thật là không ngờ! Vợ chồng tôi ngạc nhiên tới há hốc miệng, rớt cả củ khoai lang ra ngoài:
- Mày... mày nói cái gì? Cô này đây... vợ mày đây... là... là cô gái cho tụi mình khoai lang ở Trảng Bom? Mày... nói chơi hay... nói dỡn vậy? Thiệt không? Làm sao mà mày kiếm ra cổ ? Mà... phải thiệt là cổ không? Làm sao mày biết là cổ mà dám nói là cổ ? Dám lấy cổ?
Vợ Phúc (Dung) mỉm cười giải thích cho chúng tôi:
- Em đâu có gueng, đâu có biết ảnh là ai đâu! Tự dưng ảnh tới kiếm em rồi... hỏi cứ (cưới) em đó chớ!
Phúc giải thích rõ ràng hơn:
- Khi còn ở trong trại tù, mình đã nói chuyện với nhau thật nhiều về cô gái đó, tao thầm cám ơn cô đã còn nghĩ đến những người lính VNCH đang mắc nạn. Tao đã nghĩ trong đầu rằng, nếu có dịp trở về, thế nào cũng đi tìm cô gái đó mà cảm ơn. Nếu cô ta còn độc thân, tao sẽ cưới cô ta làm vợ. Mặc dù chỉ với một hành động nhỏ nhoi tặng những củ khoai lang cho chúng ta, nhưng cô đã chứng minh được rằng, cô là người chống lại bọn VC, cô là người đã còn nhớ đến người lính VNCH xưa. "Miếng khi đói bằng gói khi no" mà! Mình đang sa cơ mà còn có người dám nghĩ tới mình, thì làm sao mà không cảm động cho được? Đến khi được thả về, tao trở ra Phan Thiết ở với cha mẹ anh em một tuần, thì nói với ba má là tao kiếm đường làm ăn. Tao quay trở lại Biên Hòa, đi vào khu Trảng Bom, nói với Tổ Trưởng vùng đó là tao ở Biên Hòa, muốn về làm rẫy, mua đất trồng khoai lang. Ông này dẫn tao đi giới thiệu với những gia đình đang trồng khoai lang, có dư đất muốn bán. Nhà nào tao cũng vào làm quen để hỏi mua đất, hỏi kỹ thuật trồng khoai, nhưng mục đích chính là kiếm cho ra cô gái đó. Tao cũng như mày, như những anh em trong trại, đâu có ai biết mặt mũi cô ra làm sao? Ngay cả dáng người cũng không nhìn được, nên khó kiếm hết sức. Nhưng tao còn nhớ được giọng nói của cô ta khi nói: "Má à, khoai lang của mình hư hết rồi, không bán được đâu, dục đi nha Má!" Tao nhớ có nhiêu đó thôi. Rồi duyên số cũng giúp cho tao kiếm ra bả. Buổi chiều hôm đó, khi tao đã hết hy vọng kiểm cổ rồi, đang trên đường đi tới nhà Tổ Trưởng chào từ giã. Chợt tao đi ngang qua một căn nhà ở cuối xóm, thấy một cô gái đang gom khoai lang bỏ vô thúng. Tao ngừng lại hỏi bâng quơ:
Cô lựa khoai lang đem bán hả?
- Cô này không quay lại, vừa tiếp tục lựa khoai, vừa trả lời:
- Tui lựa khoai lang dư đặng mai đem thẩy cho mấy người lính "học tập cải tạo".

Tao thấy coi bộ trúng mối rồi, bèn hỏi tới:
- Khoai lang trồng cực khổ mới có. Bộ cô có bà con đang học tập trong đó hay sao mà lại cho họ khoai lang?
- Tui đâu có gueng ai ở trỏng đâu! Bị tui thấy họ tội nghiệp thì tui giúp đở chúc ít dzậy mà! Hồi xưa, mấy người này đi lính để giữ cho làng xóm được yên, khỏi bị bọn VC phá đám giết hại người ta. Nay những người này bị bắt ở tù, mình phải nhớ ơn họ, phải giúp họ chớ! Hổng giúp được nhiều thì có mấy củ khoai lang cũng giúp họ chút đỉnh dzậy mà!
Mới nghe bả nói là tao nhớ lại liền. Đúng y là giọng nói "Má à, đám khoai lang này hư rồi . . ." mà tao nhớ không bao giờ quên. Tao lại còn kỹ càng hỏi cho ra lẽ tại sao bả lại giúp mấy đám tù cải tạo như mình? Nghe bả trả lời ngon lành như vậy là tao chịu quá đi, nhất định giá nào cũng phải làm quen, nếu được, sẽ cưới bả làm vợ. Lính mà! Dễ lắm! Giản dị lắm: "Hễ ai thương lính là lính thương lại liền".
Tao lại đang trong tình trạng độc thân... "Tròn năm năm lính, chưa hề có bạn tâm tình". Tới luôn! Tao đi tới đi lui nhiều lần làm quen với bả, với gia đình bả, nói là xin học làm rẫy. Khi biết rõ gia đình bả, và biết bả còn đang độc thân, chưa có đám nào, tao mới trở về Phan Thiết kể lại chuyện của bả cho ông bà già tao nghe và nói ý định muốn cưới cô gái quê, nhưng có lòng thương lính đó. Ba má tao đồng ý tao muốn lấy ai thì lấy, miễn là hai vợ chồng hạp với nhau là được rồi. Nhưng mà cô đó có lấy tao hay không thì lại là chuyện khác nữa. Tao trở lại nhà Dung phụ làm rẫy tiếp. Trong một bữa nghỉ trưa ở ngoài ruộng, chỉ có một mình tao với bả, tao mới nói rõ tao là ai? Đã cảm cái tấm lòng của bả và muốn được cưới bả làm vợ. Bả rất ngạc nhiên mà nói với tao, y như bả vừa mới nói với mày vậy: - Tui đâu có gueng biếc gì anh đâu? Tui cho mấy anh khoai lang là cho nguyên đám đó chớ đâu phải cho một mình anh! Bị tui nhớ hồi xưa mấy anh đã đi lính giữ làng xóm tụi tui, chứ tui đâu có biết anh ở trỏng đâu? Mà anh . . . cứ (cưới) tui làm chi?

Làm chi thì tao không biết làm chi, nhưng tao nói tao cảm tấm lòng của bả mà cưới bả, vậy thôi. Tao nói:
- Ít ra thì anh với em cũng còn giống nhau ở một điểm là "THƯƠNG LÍNH".

Nói ba điều bẩy chuyện một hồi, bả cũng không biết nói sao nữa, kêu tao muốn gì thì về nói chuyện với ba má cổ, chứ cổ... hổng biết. Vậy là chịu rồi! Tao mừng quá, cả hai đưa nhau về gập ông già bà già của bả, tao lại kể rõ lai lịch của tao ra và xin đưa cha mẹ tới xin cưới Dung. Hai ông bà ngạc nhiên hết sức, cuối cùng nói là:
- Nếu vậy đúng là duyên số rồi. Con Dung nhà tui nó đâu có gueng biếc gì ông đâu. Nó xin tui ít phai lang, nói là để cho mấy ông bị tù cải tạo, tội nghiệp mấy ổng quá. Ai dè có ông ở trỏng, ông thương nó, ông được dzìa rồi thì ráng lội bộ đi cùng khắp chốn kiếm cho ra nó đặng xin 'cứ' nó! Đó là do Ông Tơ Bà Nguyệt cột đó, chứ hổng có ai bầy ra được đâu!
Tụi tao định ngày, đưa cha mẹ tao tới làm đám hỏi, xong rồi mới mời ổng bả và Dung về nhà tao chơi. Tới Phan Thiết, thấy nhà cửa của ba má tao thì ổng bả và Dung hoảng hồn, vì nhà tao hồi đó cha mẹ cũng còn nhà cửa, cơ sở làm ăn khá lắm! Dung đã nghéo tao ra sân mà nói:
- Nhà anh giào như zậy, mà anh cứ tui là gái guê làm chi? Thôi, thả tui zìa Trảng Bom tui làm rẫy sướng hơn!
Tao phải nói khó với bả:
- Mấy thứ đó là của cha mẹ anh, chứ anh... "Trên Răng Dưới . . . Dế ", đâu có cái gì nữa đâu! Có cái mạng cùi cũng nhờ em cho mấy củ khoai lang mới còn sống tới ngày nay. Mà em đừng có lo, mình còn đủ chân đủ tay, mình tự làm mà nuôi thân, chịu không?"
- Anh nói dzậy thì tui chịu!
Chịu hay không chịu thì cũng trễ rồi! Lính đã nói là Lính làm:
- Em có ý kiến nhiêu đó là đủ rồi, mọi thứ còn lại để anh lo, đừng có lộn xộn gì hết nữa!
Rồi tụi tao làm đám cưới. Cưới xong, tao lo đường vượt biên. Ông bà già vợ thẩy một mớ khoai lang lên tàu, vậy là tụi tao dông. May mắn cho tụi tao, trời yên bể lặng. Sau bốn ngày lênh đênh trên biển, tàu tụi tao cặp được tới Bidong. Tao chọn đi Úc cho nó lẹ và an toàn. Khoảng hai tháng sau tụi tao tới Sydney, gởi điện tín cấp tốc về cho ông bà già tao hay. Hai ổng bả mừng quá, lập tức mướn xe chạy tới Trảng Bom cho ba má Dung hay. Ba Má Dung cũng mừng quá, xá trời xá đất cám ơn lia chia. Ba của Dung cười lớn:
- Dzậy là thằng rể tui khỏi sợ bị Diệc cộng bắt cải tạo nữa rồi ha!
Má của Dung hỏi thêm:
- Ở bển có đất cho tụi nó trồng khoai lang hông dzậy, anh chị sui?
Tụi tao ở bên đây thì cũng giống như tụi bay vậy, ra sức làm mà lo cho gia đình, con cái, lo cho cha mẹ bên Việt Nam. Tụi tao có hai con rồi. Bây giờ bả hết dám hỏi:
- Anh " cứ " tui làm chi, nữa rồi.
Tụi tao lo làm nuôi con ná thở, đâu còn thì giờ mà hỏi nữa! Hỏi nữa tao để ........ đẻ nữa!
Người lính VNCH 

Tuesday, July 6, 2010

Họp Mặt Cựu Tù Yên Bái, Phong Quang, Vinh Quang.

Phần Mộ Tù Cải tạo ở Phong Quang 
 
Garden Grove (Bình Sa)- - Sáng Thứ Bảy, 3 tháng 7 năm 2010, tại  nhà hàng Diamond Seafood Palace, một  ngày hội ngộ với nỗi mừng vui lẫn lộn  của những người cựu tù thuộc các trại tập trung của công sản ở Yên Bái, Phong Quang, Vĩnh Quang. Tất cả qui tụ về đây để cùng nhau ôn lại những kỷ để cùng nhau nhớ về những người bạn tù vĩnh viễn nằm xuống không nhìn thấy ánh sáng tự do, Những người vợ tù gặp nhau để nhớ lại những ngày tháng cơ cực, lao nhọc bên ngoài, tay bế tay bồng, vừa làm cha, làm mẹ, chạy gạo nuôi con, nuôi ba mẹ già yếu hai bên, nội, ngoại.
Đây chính là số phận của những cựu tù nhân chính trị các trại Long Giao, Yên Bái, Phong Quang, Vĩnh Quang A, B, Tân Lập, Z 30 D… và vợ con sau biến cố 1975, và cũng là số phận chung của vợ con và những người lính Việt Nam Cộng Hòa, những cựu tù chính trị các trại tù khác tại Việt Nam sau năm 1975.  Các con, cháu của cựu tù cũng được ba mẹ đưa đi cùng, nhiều bạn trẻ nhìn ngắm thật lâu bên những hình ảnh triển lãm ngay góc trang trọng trong nhà hàng. Ban tổ chức triển lãm vài hình ảnh các trại tù, những chứng tích những ngày tù đen tối của những tháng năm khắc nghiệt đầy hận thù của chính quyền CS đối với các anh. Người nghệ nhân bất đắc dĩ, cựu đại úy Lê Trị và nay quen thuộc với cộng đồng, trong vai trò nhiếp ảnh gia, đã đem đến góc triễn lãm, cây đàn violon do ông tự tay làm trong thời gian ở tù, và bức hình chụp cây violon của ông chụp, cùng những câu thơ do ông sáng tác.
Người nghệ nhân bất đắc dĩ này thuộc đơn vị tình báo 101, đã trải qua 13 năm các trại Yên Bái, Hoàng Liên Sơn…,
Ông tâm sự: "Thời gian trong tù, thấy anh em nghệ sĩ thiếu phương tiện âm nhạc. Nhiều người cầm khúc củi, tưởng tượng là cây đàn. Lấy thùng xăng làm trống. Rất tội nghiệp. Tôi là giáo sư Toán, Lý Hóa, chưa hề biết nghề mộc là gì, nhưng đi tù, tôi ghi danh học mộc. Tác phẩm đầu tiên là cây đàn guitare, vật liệu là gỗ trong trại tù, với dây thắng xe đạp quấn lại, nhưng âm thanh cũng tương đối giống, thế là anh em yêu cầu, khuyến khích. Tôi đã làm, dần dần được 100 cây đàn guitare và 15 cây đàn violon."
Cũng chỉ vì làm đàn tặng anh em tù mà ông đã bị nhốt 15 ngày trong nhà kỷ luật và bị đập 3 nhát búa vào người, để lại vết bầm tím trên cơ thể hàng tháng trời, đi đại tiện ra máu. Thế nhưng, ông vẫn lén lút làm đàn.
"Có những anh từ Pháp qua, từ khắp các tiểu bang trên đất Mỹ này về. Ban đầu ghi danh khoảng 150 người. Nhưng sau đóù nhiều anh em đọc thông báo nên họ đến đông hơn dự định."
Giáo sư Nguyễn Thanh Giàu, cựu tù trại Vĩnh Quang A, trại Nam Hà, chia sẻ:  "Ở ngoài, có thể chúng tôi khác tôn giáo với nhau, khác đảng phái chính trị. Nhưng trong trại, chúng tôi gắn bó với nhau, vì đều là tù nhân cộng sản. Gặp lại nhau, nhắc chúng tôi nhớ những ngày khốn khó, chia những muỗng muối, cơm sạn, sắn lát cùng nhau… rất đớn đau mà đầy nghĩa tình".
Bác sĩ Quân Y Phạm Đức Vượng, cựu tù phải trải qua 7 năm các trại Long Giao, Yên Bái, Thác Bà, Vĩnh Quang… thành viên trong ban tổ chức, đến từ San Jose, bồi hồi cho biết:
"Chúng tôi từ trong Nam bị đi tù ngoài Bắc, trong những điều kiện rất khắc nghiệt, rừng thiêng, nước độc. Với sức khỏe không nhiều, mà làm việc nặng nhọc. Bởi thế, một số anh em đã bỏ mạng nơi núi rừng Tây Bắc, tại Thác Bà là nhiều nhất. Trong chuyên môn của tôi, tôi giúp được một số anh em, nhưng phương tiện không có, đành nhìn những anh em bị kiết lỵ, suy dinh dưỡng, từ từ ra đi. Nhiều người trước khi nhắm mắt, họ chỉ muốn xin một cục kẹo, muỗng đường thôi, mà không có. Đó là những kỷ niệm đau buồn nhất. Chúng tôi cũng muốn cám ơn những người giúp chúng tôi tồn tại đến hôm nay, chính là những bà vợ của chúng tôi. Còn là cơ hội cho các bà được dịp gặp nhau…"
Tâm sự những người vợ tù "cải tạo"
Ca sĩ Lệ Hằng cho biết chồng trước của chị là thiếu tá Trịnh Quang Minh, sĩ quan điều hành huấn luyện tình báo, văn phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu. Đây là chức vụ CS rất ghét, họ đã đến tận nhà nói rằng, anh nợ máu, anh phải trả bằng máu. Anh đã bị bắt đi tù, từ 1975 đến 1985 mới được thả. Chị nghẹn ngào nhắc lại chuyến thăm chồng đầu tiên năm 1979:
"Lệ Hằng và con trai lúc đó được 3 tuổi, đi xe lửa, 3 ngày 3 đêm. Sau đó, từ Hà Nội đi vào Vĩnh Yên, Vĩnh Phú, Lệ Hằng đã bồng cháu, cõng cháu trên lưng. Vừa đi vừa lần chuỗi đọc kinh cầu nguyện, xin ơn trên phù hộ.
Lội bộ từ Vĩnh Phú từ 5 giờ chiều đến 6 giờ sáng, vào đến trại, lội qua con suối. Té lên té xuống, vùi dập trong suốt chuyến đi. 
Vào đến nơi, công an đưa anh ra, hay tay bị xiềng xích, mặc quần áo tù, chỉ được gặp có nửa tiếng đồng hồ. Chỉ có khóc không, đã hết nửa tiếng rồi.
"Tôi đã quỳ xuống, xin cán bộ cho thăm thêm, nhưng không được."
Chị đã bật khóc, ký ức đớn đau thưở xưa lại trở về, nghẹn ngào không nói nên lời. Lặng đi để nén nỗi xúc động, chị nói tiếp:
"Năm 1985, anh được thả, gia đình đã lo cho anh vượt biển sang đây đoàn tụ. Tôi có thêm 2 con với anh khi anh qua bên này. Đến năm 1990, anh mang bệnh ung thư phổi, đã qua đời sau 6 tháng phát bệnh."
"May mắn anh đã qua được bến bờ tự do, anh đã mất trên tay tôi, và tôi đã lo cho anh đến nơi đến chốn, đó là điều an ủi hạnh phúc. Chứ nếu chẳng may anh mất trong tù, mất xác, khi có được, chỉ là nắm xương khô. Đó là điều rất đau khổ. Đã có những chị bạn trong hoàn cảnh đó, rất thương tâm."
Sau hơn 2 giờ cùng nhau chụp hình, gặp gỡ từng nhóm bạn tù hàn huyên, thăm hỏi, nhìn nhận ra nhau. Giờ khai mạc buổi họp mặt được thực hiện với những nghi thức trang trọng, lần lượt 5 thành viên trong ban tổ chức, gồm anh Lưu Anh Dũng, Phạm Đức Vượng, Nguyễn Thanh Giàu, Nguyễn Tường Thược, Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ nỗi niềm của mình trong ngày họp mặt, và đã cùng chia trách nhiệm với nhau, để có buổi họp mặt hôm nay.
Nhà báo Nguyên Huy (báo Người Việt) được ban tổ chức mời lên góp vài lời. Ông chia sẻ:  "Tôi cũng là cựu tù từ các trại Tân Lập, Vĩnh Phú… 13 năm. Tôi có một mong mỏi, sẽ tổ chức trong vòng 1 hoặc 2 năm nữa, buổi gặp mặt ngay tại thủ đô của người Việt tị nạn. Chúng ta có thể thuê những công viên ở lại qua 1 đêm, hai đêm, cùng nhau đốt lửa trại.
"Anh em khắp nơi trên thế giới về tổ chức những khu vực riêng, diễn lại những cảnh khốn khổ của mình trong trại, trải qua ngục tù như thế nào, và đưa con, cháu mình cùng tham gia, để các cháu nên biết, để người Hoa Kỳ biết. Sau đó, anh em chúng ta cùng làm bản lên tiếng tố cáo tội ác của cộng sản. Đây là ý nghĩa sơ khởi của tôi…."
Lời đề nghị của nhà báo Nguyên Huy đã nhận được những tràng pháo tay hưởng ứng của mọi người.
Buổi tiệc được bắt đầu, với chương trình văn nghệ qua tiếng hát của các chị vợ tù và các nghệ sĩ thân hữu giúp vui. Mọi người cùng thưởng thức  cùng hàn huyên tâm sự và hẹn gặp nhau cho năm tới với dự tính qui tụ đông đủ hơn.

Monday, July 5, 2010

Hội Ngộ Tù Cải Tạo Yên Bái, Phong Quang, Vĩnh Quang






Cách nào để có một đại hội cựu tù cải tạo toàn thế giới?


Nguyên Huy/Người Việt
Chỉ trong hai ngày cuối tuần lễ đầu tháng 7 năm nay đã có đến ba buổi họp mặt của các cựu tù nhân cải tạo thuộc nhiều trại tập trung cải tạo của CSVN sau 30 tháng 4 năm 1975.
Thứ nhất là các cựu tù thuộc các trại Vĩnh Quang vào sáng hôm Thứ Bảy 3 tháng 7 lần đầu tiên tổ chức được cuộc họp mặt tại nhà hàng Diamond trên đường Lampson thuộc thành phố Stanton sau 2 năm ròng rã anh em chỉ liên lạc với nhau trên điện thư (E-mail), theo lời anh Lưu Anh Dũng trong ban tổ chức cho biết như vậy.
Ban tổ chức họp mặt cựu tù Vĩnh Quang. Từ trái qua là cựu tù Nguyễn Tường Thược, cựu tù Lưu Anh Dũng,
cựu tù Bác Sĩ Phạm Ðức Vượng, cựu tù Nguyễn Thanh Giàu, cựu tù Nguyễn Ngọc Tuấn.

Thứ hai là cựu tù các trại Tân Lập Vĩnh Phú (gồm các phân trại K1, K2, K3, K4, K5), Hàm Tân Z30 D cũng có cuộc họp mặt tại nhà hàng Emerald bay vào sáng hôm Chủ Nhật 4 tháng 7.
Và thứ ba là anh em cựu tù Ái Tử Bình Ðiền, một trong những trại tù lớn của Cộng Sản thiết lập ở miền Trung giam giữ cựu Quân Cán Chính VNCH cũng diễn ra vào sáng Chủ Nhật 4 tháng 7 tại nhà hàng Seafood Kingdom trên đường Katella, thành phố Anaheim.
Ngoài ra, anh em cựu tù K4/Long Khánh, một trong những trại tù cải tạo ở miền Nam cũng hẹn nhau gặp gỡ.
Với anh em cựu tù Vĩnh Quang vì đây là lần đầu tiên tổ chức được cuộc họp mặt nên ngay từ những phút đầu tiên gặp lại được nhau, hầu hết anh em đều hết sức mừng rỡ. Bởi sau nhiều lần “biên chế”, chuyển trại, lớp được thả về, lớp bị đưa đi các trại khác, anh em đã mất hẳn liên lạc. Cho tới cả chục năm sau, trước những can thiệp của chính phủ Hoa Kỳ và dư luận thế giới, Cộng Sản phải thả một số anh em về thì trong tình trạng “quản chế”, đa số anh em không có cơ hội đi tìm lại nhau. Ðến khi được chính phủ Hoa Kỳ cho tái định cư qua các chương trình H.O. thì tới miền đất mới anh em đã phải lăn lưng vào cuộc sống chống đỡ cho gia đình bù lấp lại những tháng năm ròng rã người vợ phải một mình nuôi dậy con và cả thăm nuôi mình, nên cũng không có thời giờ để tìm lại nhau. Biết bao cơ khổ, gian truân, nhục nhằn mà người tù cải tạo phải trải qua và biết bao tâm tư, nguyện vọng mà người cựu tù hướng tới, chỉ mong có dịp được phơi bày. Chỉ có với người “đồng hội đồng thuyền” mới mong vơi được tâm sự ưu uất. Nên, như anh Lưu Anh Dũng, thuộc trại Vĩnh Quang cho biết: “Anh em nhận thấy gặp nhau trên e-mail chưa đủ, cần phải nhìn lại được nhau, tay nắm trong tay để nhắc nhở nhau bổn phận của mình đối với thế hệ tiếp nối”.
Gia đình cựu tù Nguyễn An Vượng thuộc trại tù Vĩnh Quang nay đoàn tụ đủ với ba trai, một gái cùng dâu rể trong lần hội ngộ của cựu tù Vĩnh Quang.

Trong bất cứ cuộc họp mặt nào của những người cựu tù bao giờ anh em cũng không quên nhắc nhở, vinh danh những người vợ tù đã đồng cam cộng khổ với chồng hàng chục năm trời vừa nuôi con thành người, vừa nuôi chồng để chồng vượt qua được những đầy đọa của kẻ thù khi họ chiến thắng.
Trong dịp này, Bác Sĩ Phạm Ðức Vượng, một trong ba người đứng ra tổ chức họp mặt cựu tù Vĩnh Quang là Lưu Anh Dũng và Nguyễn Ngọc Tuấn, mừng mừng tủi tủi nói với mọi người tham dự rằng: “Nào có ai khi ở trong tù cải tạo mà nghĩ có được cuộc hội ngộ như thế này. Tôi đã có dịp đi được nhiều nơi, miền Ðông, miền Bắc, miền Nam Mỹ và cả ở Âu Châu, đến đâu cũng được cho biết là anh em cựu tù cải tạo đều có những cuộc họp mặt hàng năm. Mục đích thường rất giống nhau, một là để hàn huyên xem ai còn ai mất, ai chưa hòa nhập vào được cuộc sống mới để xem có giúp gì được không. Mặt khác là để cùng nhau nhắc đến công lao của những bà vợ đã tần tảo nuôi được chồng con trong một xã hội đảo ngược mọi thứ, trong một hoàn cảnh bị kỳ thị với biết bao khó khăn của người dân bị trị. Thế thì tại sao chúng ta lại không có được một đại hội cựu tù cải tạo Việt Nam toàn thế giới?”
Một cựu tù trong số người đến tham dự cho biết từng qua các trại tù Long Giao, Sơn La (trại 3), Tân Lập (các trại K1, K3 và K5), Yên Hạ (Vĩnh Phú), Thanh Lâm (Thanh Hóa) và sau cùng tại Z30A Xuân Lộc Ðồng Nai lên đề nghị từ đại hội này có thể tiến tới một đại hội duy nhất một lần cho toàn thể các cựu tù nhân cải tạo của Cộng Sản đang có mặt khắp các quốc gia tự do trê thế giới. Nếu như sau đại hội này, ban tổ chức nhận được những kết quả tốt đẹp thuận lợi thì sẽ là Ban Tổ Chức Lâm Thời kêu gọi các hội cựu tù nhân chính trị, các tổ chức cựu tù của từng trại tập trung cải tạo suốt từ Nam ra Bắc để vận động anh em về họp mặt. Hình thức họp mặt không là những tiệc tùng sang trọng tại các nhà hàng mà sẽ là những túp lều anh em dựng lên trong một công viên thuê mướn, nhắc nhớ những ngày đầu vào tù Cộng Sản được Cộng Sản bảo rằng các anh “sẽ tự dựng lên nơi ăn chốn ở cho mình học tập tốt, lao động tốt để mau chóng trở thành người công dân hữu ích cho nhà, cho nước!!!” Cuộc hội ngộ sẽ là những buổi sinh hoạt lao động với những bữa ăn bằng sắn. Sẽ có những chương trình hát tù ca (trại nào cũng có hàng trăm bài tù ca được anh em sáng tác), sẽ có những buổi nhắc lại những cuộc biểu tình tuyệt thực chống lại những chính sách hà khắc thâm độc của Cộng Sản. Cũng sẽ có những đêm lửa trại, anh em thi nhau “cải thiện” bằng những chiếc lon “gô”, mặc những bộ quần áo tù có đóng dấu cải tạo, làm những món ăn như “Sắn 7 món...”
Những hình thức sinh hoạt ấy không phải chỉ để nhắc lại quá khứ đơn thuần vui chơi, mà là để nói lên cái dã tâm của người Cộng Sản, nhắc cho con cháu tội ác diệt chủng của người Cộng Sản (muốn toàn dân miền Nam phải tách bỏ được hết quá khứ để trở thành những “con người mới Xã hội chủ Nghĩa” chỉ biết có đảng) và tố cáo bằng những nhân chứng sống với thế giới tự do, nhân bản. Dù chỉ làm sống lại được một phần trăm sự thật, nhưng buổi họp mặt duy nhất ấy cũng sẽ làm nguôi ngoai được phần nào ưu uất của những người tù cải tạo 8 năm, 10 năm, 13 năm, 15 năm...
Theo cựu tù này thì đó mới chỉ là nét khái quát cho buổi Ðại Hội Cựu Tù Toàn Thế Giới. Nếu hình thành được ban vận động được sự tham gia của nhiều tổ chức cựu tù khắp nơi thì một ban tổ chức sẽ được bầu ra để soạn thảo chương trình chi tiết cho đại diện từng trại cải tạo về tham dự.
Ðề nghị này đã được hầu hết anh em có mặt đồng thuận và sẵn sàng tham dự.
Cựu tù Nguyễn Thái ở phân trại K2 Tân Lập ròng rã 7 năm trời, một trong những người đứng tổ chức họp mặt cựu tù Tân Lập và Hàm Tân năm nay, trước đề nghị này cũng rất đồng ý là “anh em cựu tù cải tạo của Cộng Sản nay ở khắp nơi trên thế giới rất nên có cuộc họp mặt với nhau ít ra thì cũng một lần vì ai nấy đều khá trọng tuổi cả rồi. Nhưng ai, tổ chức nào sẽ đứng ra nhận lãnh công việc to tát này?”
Cựu tù Nguyễn Xuân Tùng, một người hoạt động tích cực trong những sinh hoạt đấu tranh của cộng đồng Nam Cali trước đây sốt sắng góp ý: “Tôi sẽ vận động với Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị nay do anh Nguyễn Văn Châu đang là chủ tịch. Chúng ta sẽ thành lập một ban vận động với sự có mặt thật nhiều đại diện các anh em trong các trại tù cải tạo của Cộng Sản từ Nam ra Bắc. Hy vọng là có thể làm được”.
Tù cải tạo mà nhiều người vẫn còn vô tình gọi là học tập đã là một thành phần lớn trong cộng đồng người Việt tị nạn Cộng Sản ở hải ngoại. Họ đã có mặt trong hầu hết những sinh hoạt của cộng đồng người Việt khắp nơi, từ những sinh hoạt tranh đấu Nhân Quyền, Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam cho đến những hoạt động hội đoàn, những sinh hoạt xã hội cứu trợ, những sinh hoạt giáo dục, văn hóa, truyền thông báo chí. Họ phần lớn cũng là những cựu quân nhân QLVNCH nên những tổ chức cựu quân nhân, cái nhân tranh đấu của cộng đồng người Việt hải ngoại, họ cũng có mặt. Nên khối những người cựu tù này dù muốn hay không cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng người Việt hải ngoại nay đã lớn mạnh.
Phân tích khối cựu tù này, người ta thấy họ chính là những “chất xám” của một thế hệ. Những sáng kiến của họ trong tù cải tạo nhằm cải thiện cuộc sống mà nhà cầm quyền Cộng Sản cố tình bắt họ phải chịu đựng đã làm ngạc nhiên không ít bọn coi tù và bọn này đã không giấu được sự thán phục đến độ có những cán bộ cao cấp khi phản tỉnh phải thốt ra rằng phải chi “chỉ tập trung cải tạo họ một thời gian ngắn rồi để cho họ (tù cải tạo) trở về xã hội thì đất nước đâu đến độ bị chậm tiến quá như thế này”. Khi được định cư tại hải ngoại, với hai bàn tay trắng và với kiến thức bị kéo trì lại hàng mấy chục năm và trong khi con cái còn nhỏ, thế mà họ cũng trụ vững được và vươn lên. Không thiếu những bác sĩ, luật sư, dược sĩ chuyên cần học lại và trở về được nghề cũ. Không thiếu những thương gia đã xây dựng lại được cơ nghiệp. Và hầu hết thì đều lo được cho con em tiếp tục con đường học vấn mà có nhiều người đã trở thành những nhân vật nổi danh, chính khách trong xã hội Hoa Kỳ.
Nên một đại hội toàn thế giới của những người cựu tù này sẽ là một tiếng nói của những nhân chứng tội ác Cộng Sản, một minh chứng cho tinh thần quật khởi của người Việt quốc gia và cũng sẽ là một lên án cụ thể trước dư luận Hoa Kỳ và thế giới về một âm mưu diệt chủng của CSVN nhưng đã không thành.